REVIEW SÁCH CỔ HỌC TINH HOA
Tác giả: Ôn Như
Làm người, khó nhất là thấu hiểu chính mình. Thời hiện đại, con người háo hức tìm hiểu vũ trụ, các loại năng lượng, các loại công nghệ mới nhất mà quên mất việc đi sâu vào tìm hiểu chính bản thân.
Đọc cuốn sách Cổ Học Tinh Hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân để thu nạp những câu chuyện giúp rèn luyện nhân cách đạo đức và hiểu thêm về bản thân mình.
Tác giả sách Cổ Học Tinh Hoa
Cổ Học Tinh Hoa là cuốn sách cho Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân biên soạn.
Nguyễn Văn Ngọc là một nhà giáo, nhà sưu tầm văn học dân gian và nhà hoạt động văn hóa xuất sắc. Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong nền văn hóa nước nhà như Đốc học tỉnh Hà Đông, Hội trưởng Hội Ái hữu các nhà giáo và Phó hội trưởng Hội Phật giáo Hà Nội. Tác giả này có nhiều sách hay về giáo dục, sưu tầm văn học dân gian và nghiên cứu văn học thánh văn.
Trần Lê Nhân là giáo thụ phủ Quốc Oai, giảng viên Hán ngữ đại học Sư phạm Văn khoa. Ông am tường triết học Đông - tây, tham gia vào biên soạn và dịch lại rất nhiều sách quý, có giá trị văn hóa cho độc giả Việt Nam.
Công ty phát hành | Nhà sách Minh Thắng |
Ngày xuất bản | 2018-12-13 18:23:46 |
Kích thước | 16 x 24cm |
Loại bìa | Bìa mềm |
Số trang | 396 |
Nội dung cuốn Cổ Học Tinh Hoa
Thành sách lần đầu năm 1928, sau gần 100 năm, cuốn Cổ Học Tinh Hoa vẫn được xuất bản đều đặn bởi những giá trị mà cuốn sách này mang lại.
Cổ Học Tinh Hoa bao gồm 250 câu chuyện ngắn, được hai vị học giả biên soạn lại chủ yếu từ các tích xưa, chủ yếu từ các sách kinh điển của Trung Hoa thời cổ. Các tác giả chọn dịch lại từ Khổng Tử tập ngữ, Ái Tử Xuân Thu, Hàn Thi ngoại truyện,.. giúp người đọc tiếp cận được những tinh hoa văn hóa, đạo đức từ ngàn xưa.
Mỗi câu chuyện trong sách, tuy ngắn gọn, nhưng lại hàm chứa những triết lý sống hết sức sâu sắc. Sách chắt lọc những tinh túy trong quan điểm và văn hóa của Trung Hoa xưa để người đọc nhìn vào đó mà soi mình và rút ra những bài học cho đời sống.
Nhận xét về cuốn Cổ Học Tinh Hoa
Trước sự hội nhập và mở cửa, chúng ta được tiếp cận với những kiến thức mới mẻ và vô cùng thú vị từ những nền văn minh tân tiến nhất trên thế giới. Vậy nhưng, mặt trái tồn tại mà ít ai nhận ra là chúng ta đang lao đi với tốc độ chóng mặt mà quên nhìn vào gốc rễ, nhìn lại những giá trị cổ xưa mà đáng ra nên được trân quý và lưu truyền.
Với tấm lòng mong muốn giữ gìn những gì gọi là hồn cốt của dân tộc, hai tác giả Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân đã lưu lại những câu chuyện quý để chúng ta soi mình và nhìn đời sáng suốt hơn.
Các tích truyện xưa tuy có nhiều từ Hán Việt nhưng ngay sau đó có phần chú thích và nhời bàn chi tiết, giải thích đại ý câu chuyện và cũng giúp ta rút ra bài học cho mình.
Nghiền ngẫm những câu chuyện trong sách Cổ Học Tinh Hoa sẽ giúp ta trồng cho mình một cái gốc đạo đức vững chắc, từ đó mới hoàn thiện trí tuệ để thu lượm những kiến thức hữu ích cho bản thân. Tuy có tên Cổ Học nhưng những tri thức trong sách sẽ chẳng bao giờ trở nên cũ mòn hay lạc hậu.
Sách Cổ Học Tinh Hoa không quá dày, bạn sẽ không mất nhiều thời gian để nghiền ngẫm các câu chuyện trong sách. Cuốn sách này cũng thích hợp để đọc lại nhiều lần, hoặc bạn có thể chọn đọc một câu chuyện bất kỳ chứ không lo ngắt mạch như các cuốn tiểu thuyết.
Trích dẫn trong sách Cổ Học Tinh Hoa
THUỶ CHUNG VỚI VỢ
Vua Cảnh Công có cô con gái yêu, muốn gả cho Án Tử. Một hôm vua đến ăn tiệc nhà An Tử, thấy vợ Án Tử, hỏi:
- Nội tử của Tướng công đấy có phải không?
- Án Tử thưa: Vâng, phải đấy.
- Vua nói: Ôi! Người trông sao vừa già, vừa xấu! Quả nhân có đứa con gái trẻ và xinh đẹp, xin cho về hầu, tướng công nghĩ sao?
- Án Tử đứng dậy thưa rằng: Nội tử tôi nay thật già và xấu; nhưng lấy tôi và cùng tôi ăn ở đã lâu, kể từ lúc còn trẻ và đẹp. Xưa nay, đàn bà lấy chồng lúc trẻ lấy, cốt để nhờ cậy lúc già, lúc đẹp lấy, cốt để nhờ cậy lúc xấu. Nội tử tôi thường nhờ cậy tôi mà tôi cũng đã nhận sự nhờ cậy ấy. Nay nhà vua tuy muốn ban ơn chắc cũng không nỡ để cho tôi ăn ở bội bạc với những điều nội tử tôi đã nhờ cậy tôi.
Nói đoạn, Án Tử lạy hai lạy xin từ không lấy.
GIẢI NGHĨA
- Cảnh Công: vua hiền nước Tề đời Xuân Thu.
- Án Tử: tức là Án Anh, làm tướng đời vua cảnh Công, ông là người trung thành, tiết kiệm có tiếng thời bấy giờ.
- Nội tử: tiếng đời cổ gọi vợ các quan to.
- Tướng công: tiếng gọi một bực quan to hay một vị đại thần.
- Bội bạc: phụ lòng người ta, ăn ở không được thủy chung như nhất.
NHỜI BÀN
Vợ chồng là bạn trăm năm đã phải duyên, phải kiếp lấy nhau từ lúc còn trẻ, âu yếm được nhau, thì đến lúc già ai lại có nỡ phụ nhau. Ngán thay thói đời giàu hay quên bạn, sang hay phụ vợ. Lắm kẻ lúc còn hàn vi vợ nuôi cho ăn học, một mai được chút tiền của, chức tước, đã phụ ngay vợ cũ mà kiếm vợ mới, hoặc kiếm vào chỗ giàu, hoặc kiếm vào chỗ sang, hoặc kiếm người trẻ tuổi xinh đẹp hơn.
Những kẻ như thế dù viện nhẽ gì, tổng chi cũng là phụ bạc cả. Nào đã mấy người được như Án Tử đây: gặp cảnh giàu sang như nhà vua, trẻ đẹp như công chúa, lại như muốn lấy uy quyền bức bách mình, mà mình nhất định cố từ. Ông là người ăn ở thuỷ chung với vợ tấm cám thật!
Bạn quần thoa đọc truyện này cũng nên ngẫm nghĩ, chớ nên tham tài, tham danh mà lấy những kẻ đã đem lòng phụ vợ tao khang, vì rằng người vợ xưa, nuốt được nghèo khổ, chịu được cay đắng, ở với họ đã bao lâu mà họ còn phụ, thì họ có lấy ta, hoặc vì lợi chăng, hoặc vì thế chăng, hoặc vì sắc chăng, một khi lợi kém, thế hết, sức suy, thì cái tình vợ chồng lúc bấy giờ lại hoá ngay ra cảnh người dưng nước lã.
Lời kết
Cổ Học Tinh Hoa là một cuốn sách quý mà ai cũng nên đọc, bất kể tuổi tác hay giới tính nào. Nếu ai cũng thấm nhuần những tư tưởng và đạo lý trong sách thì xã hội sẽ văn minh và tốt đẹp biết bao nhiêu.
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Cổ Học Tinh Hoa PDF của tác giả Ôn Như nếu chưa có điều kiện.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensohoa.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Cám ơn sự hỗ trợ, động viên để duy trì và phát triển website. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank
Bài Trước Đó | Bài Tiếp Theo |