REVIEW SÁCH NHÂN TỐ ENZYME - PHƯƠNG THỨC SỐNG LÀNH MẠNH
Tác giả: Hiromi Shinya
Bạn luôn muốn sống khỏe mạnh? Bạn luôn muốn những người thân yêu sống lâu mà không bệnh tật trong một xã hội hiện đại tràn ngập những yếu tố gây hại? Cuốn sách này sẽ chỉ dẫn cho ta cách sống mà ta hằng mong ước.
# Tác giả:
Hiromi Shinya sinh năm 1935 tại Fukuoka. Sau khi tốt nghiệp Y khoa Đại học Juntendo, ông sang Mỹ. Ông là bác sĩ đầu tiên trên thế giới thực hiện đưa thiết bị nội soi, hay còn gọi là phương pháp Shinya vào khám chữa bệnh.
Ông cũng là người đầu tiên trên thế giới thành công trong việc phẫu thuật nội soi cắt bỏ polyp đại tràng mà không cần phẫu thuật mở ổ bụng bệnh nhân, mở ra một bước tiến mới cho y học thế giới. Hiện ông đang là giáo sư chuyên ngành phẫu thuật tại Đại học Y Albert Einstein, và là Trưởng khoa nội soi bệnh viện Beth Israel. Ngoài ra, ông còn là bác sĩ cố vấn cho bệnh viện Maeda (trước đây là phòng khám tiêu hóa Akasaka), phòng khám tiêu hóa Hanzomon.
Lời nói đầu: Bạn có thể sống lâu mà không bệnh tật
Trong suốt 40 năm làm bác sĩ, tác giả chưa một lần bị bệnh.
Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ông đi khám bệnh là khi ông bị cúm năm 19 tuổi.
Mặc dù công việc rất vất vả nhưng ông vẫn đảm bảo sức khỏe của mình nhờ thực hiện phương pháp duy trì sức khỏe hàng ngày. Sau khi thực hiện, thấy được hiệu quả, ông đã giới thiệu cho các bệnh nhân cùng thực hiện.
Và kết quả họ đạt được còn tuyệt vời hơn rất nhiều so với kết quả của ông. Tác giả khẳng định rằng với phương pháp này, có thể nói tỉ lệ tái phát bệnh ung thư của các bệnh nhân bằng 0%.
Ông trở thành trưởng khoa nội soi dạ dày của một bệnh viện lớn tại Mỹ khi 30 tuổi. Và tính đến nay, với vai trò là bác sĩ trưởng khoa nội soi dạ dày, ông đã khám cho 300.000 bệnh nhân. Trong số đó, nhiều người nổi tiếng như diễn viên Dustin Hoffman, ngôi sao nhạc Rock Sting, nhà thiết kế thời trang Vera Wang, diễn viên Jennifer Jones, Kevin Kline,... đã áp dụng phương pháp ăn uống của ông và sức khỏe của họ được cải thiện.
Ngoài ra, từ kết quả lâm sàng khi tiến hành kiểm tra dạ dày của 300.000 người, ông đã rút ra kết luận: Người có sức khỏe tốt là người có dạ dày đẹp, ngược lại, người có sức khỏe kém là người có dạ dày không đẹp.
Ông cũng chỉ ra rằng những người có vị tướng, tràng tướng (tình trạng dạ dày, đường ruột) tốt thì cơ thể và tâm trí của người đấy cũng khỏe mạnh. Ngược lại, người có vị tướng, tràng tướng xấu tức là trong cơ thể, tâm trí anh ta đang có vấn đề ở chỗ nào đó. Nói tóm lại, vị tướng và tràng tướng của người có sức khỏe tốt thường rất tốt còn vị tướng, tràng tướng của người có sức khỏe kém thường xấu. Hay nói ngược lại, nếu giữ được vị tướng và tràng tướng tốt cũng đồng nghĩa với giữ gìn sức khỏe tốt. Và có 2 yếu tố ảnh hưởng đến vị tướng, tràng tướng: thói quen ăn uống cũng như thói quen sinh hoạt hằng ngày.
Không chỉ vậy, ông phát hiện ra một yếu tố quan trọng để có thể sống lâu và khỏe mạnh: sống không tiêu tốn hết enzyme diệu kỳ - một loại enzyme nguyên mẫu của hơn 5000 loại enzyme trong cơ thể, đảm nhiệm các hoạt động duy trì sự sống con người.
Enzyme là các protein có vai trò xúc tác sinh học. Nơi nào có sự sống, nơi đó có enzyme. Enzyme tham gia vào tất cả các hoạt động thiết yếu để duy trì sự sống như tổng hợp, phân giải, vận chuyển các chất, đào thải, thải độc, cung cấp năng lượng,.. Nếu không có enzyme, sinh vật không thể duy trì sự sống. Tất nhiên, ngay cả sự sống của con người chúng ta cũng được nuôi dưỡng bằng nhiều loại enzyme khác nhau.
Có nhiều loại enzyme là bởi mỗi enzyme chỉ đảm nhiệm một nhiệm vụ hoạt động duy nhất. Ví dụ, enzyme amilaza có trong nước bọt chỉ làm chất xúc tác cho quá trình phân giải tinh bột, enzyme pepsin trong dạ dày chỉ làm chất xúc tác cho quá trình phân giải protein (Sinh học 10).
Vậy làm sao để không tiêu tốn enzyme diệu kỳ? Biện pháp cho vấn đề này là ăn uống khoa học và có thói quen lành mạnh. Ông cũng cho biết phương pháp sống lành mạnh này bao gồm các giả thuyết dựa trên kết quả lâm sàng (trong đó có nội dung đi ngược lại với xu hướng đang thịnh hành về ăn uống và sức khỏe mà mọi người vẫn biết nên có thể ta sẽ thấy hơi ngạc nhiên.)
Chương 1: Nguy hiểm khi tin vào những nhận thức sai lầm
Tác giả đã chỉ ra những nhận thức sai lầm của chúng ta về sức khỏe.
Thứ nhất, tác giả đã chỉ ra sự khác nhau giữa trạng thái “vô bệnh” và “khỏe”. “Vô bệnh” là trạng thái “ngay trước khi bị bệnh”, dù không khỏe mạnh nhưng cũng chưa bị bệnh. Hiện nay, rất nhiều người đang ở trong tình trạng này (trong đó có mình) mà vẫn tưởng mình rất khỏe.
Lấy một ví dụ để chứng minh: Vậy sự khác nhau giữa người 100 tuổi sống khỏe mạnh và người 100 tuổi suốt ngày ngủ li bì là gì? Đó là người 100 tuổi sống khỏe mạnh không chỉ sống thọ mà còn rất hạnh phúc (bản thân không bị bệnh tật giày vò), trong khi người kia mặc dù sống thọ đó nhưng không hề cảm thấy hạnh phúc.
Thứ hai, tác giả đã chỉ ra những phương pháp ăn uống phổ biến gây hại cho sức khỏe được nhiều người tin tưởng:
- Ăn sữa chua mỗi ngày để cải thiện tiêu hóa
- Uống sữa bò mỗi ngày để phòng tránh tình trạng thiếu Canxi
- Ăn hoa quả dễ béo nên hạn chế ăn, thay vào đó bổ sung bằng các thuốc bổ trợ
- Hạn chế ăn tinh bột như cơm, bánh mì để tránh thừa cân
- Thích các món có hàm lượng protein cao nhưng ít calo
- Uống trà Nhật giàu Catechin
- Đun sôi nước trước khi uống để loại bỏ clo tồn dư trong nước máy
Ví dụ về trà xanh: Trong trà xanh có catechin - một chất ngăn cản quá trình oxy hóa. Tuy nhiên, catechin kết hợp với nhau sẽ tạo ra tannin - một chất có đặc tính dễ oxy hóa, khi gặp nhiệt độ cao hay tiếp xúc với không khí sẽ chuyển hóa thành axit tannin làm đông cứng protein, ảnh hưởng xấu đến niêm mạc dạ dày.
Ví dụ về thịt: Ăn nhiều thịt không đồng nghĩa với việc khỏe mạnh. Một báo cáo về mối liên hệ giữa thực phẩm và sức khỏe ở Mỹ cho thấy nguyên nhân làm nhiều bệnh tật gia tăng nằm ở thói quen ăn quá nhiều món giàu protein và chất béo như bít tết. Ngoài ra, báo cáo còn đưa ra chế độ ăn lý tưởng: có món chính là ngũ cốc nhưng không xay xát hoàn toàn, đồ ăn kèm là rau, tảo biển, cá nhỏ cung cấp protein.
Ví dụ về việc uống quá nhiều sữa bò gây loãng xương: Mọi người thường cho rằng uống nhiều sữa bò giúp tránh bệnh loãng xương. Tuy nhiên, sự thật lại là chính việc uống quá nhiều sữa bò mới dẫn tới loãng xương. Nồng độ canxi trong máu người luôn ổn định trong khoảng 9 - 10 mg. Khi uống sữa bò, nồng độ canxi trong máu tăng lên nhanh chóng dẫn đến cơ thể sẽ điều chỉnh sao cho nồng độ canxi quay về giá trị cân bằng ban đầu, lượng canxi dư thừa sẽ được thận bài tiết qua đường nước tiểu. Nói cách khác, việc uống quá nhiều sữa bò chẳng những không giúp ta bổ sung canxi mà còn làm giảm lượng canxi trong cơ thể khiến cho ta dễ gãy xương, loãng xương hơn.
Ví dụ về việc ăn sữa chua mỗi ngày để cải thiện tiêu hóa: Các nghiên cứu lâm sàng cho thấy những người thường xuyên ăn sữa chua, không hẳn đã có đường ruột tốt. Vậy tại sao nhiều người cho rằng ăn sữa chua lại có hiệu quả trong việc cải thiện tiêu hóa? Một trong các nguyên nhân là do việc thiếu enzyme để phân giải lactose có trong sữa chua dẫn đến tình trạng tiêu hóa kém, gây tiêu chảy nhẹ. Tuy nhiên, nhiều người lại nhầm việc tiêu chảy nhẹ sang việc táo bón có thể được giải quyết nhờ sữa chua.
Chương 2: Phương pháp ăn uống để sống bùng nổ và lâu dài
Ung thư là một loại bệnh liên quan đến lối sống sinh hoạt. Và khi ung thư được phát hiện ở một bộ phận nào đó nghĩa là tế bào ung thư đang được sản sinh khắp cơ thể. Vậy làm sao để phòng tránh được ung thư? Cách đơn giản, hiệu quả nhất chính là thực hiện phương pháp ăn uống Shinya:
-
Ăn thực phẩm chứa nhiều enzyme: Ăn những thực phẩm giàu enzyme: được trồng ở vùng đất đai màu mỡ, giàu khoáng chất, không sử dụng các chất hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật văn ngay sau khi thu hoạch.
-
Ăn đồ oxy hóa, cơ thể cũng bị oxy hóa theo: Thức ăn tươi mới tốt cho sức khỏe của chúng ta vì chúng chứa nhiều enzyme và chưa bị oxy hóa (Oxy hóa là quá trình các chất kết hợp với oxy hay bị gỉ sét. Ví dụ, trong quá trình sử dụng, các loại dầu mỡ sẽ chuyển dần sang màu đen, các loại táo sau khi gọt vỏ một thời gian sẽ bị thâm… Đó là quá trình oxy hóa. Và khi chúng ta ăn phải những đồ oxy hóa, một lượng lớn gốc tự do sẽ vào cơ thể, gây hại (gây ung thư). Vì vậy, có thể nói rằng việc ta ăn gì quyết định sức khỏe của chúng ta.
-
Không có loại dầu mỡ nào có hại cho sức khỏe như bơ thực vật: Dầu thuộc dạng sản phẩm dễ bị oxy hóa nhất. Không chỉ vậy, phần đông dầu trên thị trường được sản xuất bằng phương pháp tách chiết dung môi. Dầu được sản xuất bằng cách này chứa nhiều chất béo chuyển hóa (trans fat) - một chất có hại cho cơ thể: tăng cholesterol xấu, gây ung thư, cao huyết áp, các bệnh về tim mạch...
Hiện tại, thực phẩm chứa nhiều chất béo chuyển hóa nhất lại chính là bơ thực vật. Nhiều người cho rằng bơ thực vật ít cholesterol hơn bơ động vật nên có lợi hơn cho sức khỏe. Tuy nhiên sự thật không phải như vậy: Điều này được giải thích rất kỹ. Từ đó, ta suy ra được những món rán đồ ăn nhanh, món ăn vặt rất có hại cho cơ thể. (Chúng toàn được chiên bằng dầu, chứa nhiều chất béo bão hòa). Ngoài ra, chúng ta nên hạn chế dầu mỡ trong nấu nướng hằng ngày.
-
Hấp thụ axit béo một cách hiệu quả: Axit béo được chia thành 2 loại là axit béo bão hòa và axit béo chưa bão hòa. Axit béo chưa bão hòa là loại axit béo tốt, góp phần duy trì chức năng của tim, não,...Có một phần axit béo không thể tự tổng hợp trong cơ thể con người và chỉ có thể lấy qua thức ăn như chất béo trong các loại cá xương xanh (cá mòi, cá thu,..), mỡ mắt cá ngừ,... Ngoài ra, để hấp thụ dầu an toàn, lành mạnh, ta nên ăn nguyên hạt các loại hạt thực vật vốn được dùng để làm dầu như ngũ cốc, đậu,...
-
Sữa bán trên thị trường có thể gọi là “sữa bị gỉ”: Sữa được biết đến với công dụng chống oxy hóa, chống virus,... Tuy nhiên, qua quá trình chế biến, các thành phần có lợi đã biến mất: quá trình đồng hóa sữa đã oxy hóa chất béo có trong sữa, biến thành “lipid peroxide” - một dạng chất béo bị gỉ sét nặng; quá trình thanh trùng làm biến tính protein, tiêu diệt hầu hết enzyme.
-
Thịt của các loại động vật có thân nhiệt cao hơn con người sẽ làm bẩn máu: Phương pháp Shinya luôn chú trọng vào ngũ cốc và rau củ, cố gắng làm giảm lượng thịt động vật (thịt, cá, trứng, sữa) xuống dưới 15% khẩu phần ăn.
Mặc dù protein động vật được coi là chất dinh dưỡng lý tưởng. Tuy nhiên, nếu săn một lượng lớn sẽ không thể phân giải hay hấp thụ hoàn toàn trong dạ dày, tích lại trong dạ dày, đường ruột và tạo ra rất nhiều chất độc: methane,...
Không chỉ vậy, lượng protein dư thừa cũng cần các enzyme tiêu hóa phân giải thành các axit amin, các axit amin lại được phân giải lần nữa trong gan và lại đưa vào máu. Khi các chất này vào máu, máu của chúng ta có tính axit, thế là một lượng lớn canxi từ xương và răng lại được lấy ra để trung hòa. Sau đó, lượng protein thừa cùng với canxi được thải qua nước tiểu.
Ngoài ra, trong thịt động vật không chứa chất xơ. Vì vậy, khi ăn nhiều thịt, ít chất xơ, lượng phân tăng, gây táo bón, nếu tình trạng kéo dài có thể xuất hiện túi thừa (túi nhỏ, phồng hình thành ở bất kỳ nơi nào của ống tiêu hóa). Các độc tố, phân đóng khối sẽ tích tụ trong này, hình thành polyp và gây ung thư.
Tác giả cũng chỉ ra rằng việc ăn cá sẽ tốt hơn ăn thịt và có cách lý giải đầy tính thuyết phục.
-
Bữa ăn lý tưởng là 85% thực vật, 15% động vật: Hấp thu chủ yếu protein thực vật, ăn nhiều thực vật, và bổ sung protein động vật bằng món cá có thể là phương pháp tốt nhất cho cơ thể.
-
Gạo trắng là gạo đã chết: vì trong gạo trắng không có lớp cám hay phôi mầm nên khi bị ngâm trong nước thì gạo trắng không nảy mầm được.. Ngoài ra, tác giả cũng đưa ra dẫn chứng chứng minh ngũ cốc nguyên cám, gạo lứt rất tốt cho cơ thể.
-
Tại sao con người có 32 chiếc răng? Con người có 32 chiếc răng để phù hợp với chế độ ăn uống 85% thực vật, 15% động vật: 1 cặp răng nanh (mỗi hàm) để ăn thịt, 2 cặp răng cửa và 5 cặp răng hàm (mỗi hàm) tức là 7 cặp răng để ăn thực vật.
-
Thói quen nhai kỹ, ăn no tám phần tốt cho cơ thể: nhai kỹ giúp tiêu hóa tốt, tiết kiệm enzyme diệu kỳ, có hiệu quả trong việc giảm cân.
-
Ăn theo quy luật tự nhiên: Tác giả đã lý giải vì sao động vật ăn thịt lại ăn động vật ăn cỏ và vì sao sau khi săn mồi, chúng lại ăn ruột trước tiên. Đồng thời, ông cũng chỉ ra quả báo nếu không tuân theo quy luật tự nhiên này.
-
Ăn các món không ngon sẽ không thể nào khỏe mạnh: vì chúng ta không cảm nhận được hạnh phúc. Điều quan trọng của phương pháp Shinya là sự kết hợp hài hòa giữa việc duy trì các thói quen ăn uống tốt và việc thưởng thức các món ăn ngon.
Chương 3: Thói quen tạo nên cơ thể khỏe mạnh
Phần lớn nguyên nhân của các căn bệnh đến từ thói quen hơn là do di truyền. Có nhiều người đến tuổi trung niên mắc các căn bệnh mà cha mẹ họ mắc phải: tiểu đường, cao huyết áp, ung thư… Có người cho rằng ung thư là do di truyền và không thể tránh được. Nhưng sự thực không phải như vậy: Tuy di truyền là một yếu tố làm tăng tỷ lệ mắc ung thư nhưng yếu tố lớn nhất chính là họ đã thừa hưởng những thói quen sinh hoạt gây bệnh của ba mẹ họ. Từ đó, ta rút ra bài học: phải có trách nhiệm đánh giá xem mình có thói quen gì, đó là thói quen tốt hay thói quen xấu và phải truyền lại những thói quen tốt cho thế hệ sau.
Thói quen xấu thường là sử dụng nhiều rượu bia hay thuốc lá,. Thói quen này gây ra nhiều tác hại: gây ra hiện tượng co thắt mạch máu, khiến trao đổi chất diễn ra không hiệu quả, gây ra một lượng lớn các gốc tự do,... khiến cơ thể tiêu tốn một lượng lớn enzyme kỳ diệu. Và khi enzyme kỳ diệu bị dùng hết, những người hút thuốc, uống rượu phải đối mặt với cửa tử.
Những thói quen tốt được tác giả đề cập đến là: uống nước tốt (nước có tính kiềm mạnh từ máy lọc nước ion kiềm), uống nước trước khi ăn, uống vào thời điểm cố định (không đợi khi khát mới uống - lúc đó đã quá muộn)...(nhiều quá mình liệt kê không hết). Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến phương pháp coffee enamas (phương pháp dùng chiết xuất đặc biệt chứa khuẩn lactic pha cùng nước pha cà phê, dùng để rửa ruột) để trị táo bón (rửa qua hậu môn).
Vận động vừa phải cũng là một thói quen tốt cần được duy trì. Tuy nhiên, vận động quá mức sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bản thân vì càng hoạt động nhiều, cơ thể càng sản sinh ra nhiều gốc tự do.
Đời sống tình dục cũng là một thói quen không thể thiếu khi nói đến thói quen sống lành mạnh. Và tác giả cho rằng thời kỳ sau mãn kinh là sự bắt đầu tuyệt vời của tình dục bởi lúc này, những người phụ nữ cũng thoát khỏi các chu kỳ sinh lý, được giải phóng khỏi những căng thẳng tinh thần như lo lắng mang thai ngoài ý muốn, giờ họ có thể thoải mái, hạnh phúc cả về tinh thần lẫn thân thể khi sinh hoạt tình dục. Y học cũng chứng minh rằng cảm giác hạnh phúc về mặt thân thể và tinh thần sẽ nâng cao hệ miễn dịch của con người. Qua đó, sống hạnh phúc là một điều quan trọng để ta có thể sống lâu dài và khỏe mạnh.
Chương 4: Hãy lắng nghe “kịch bản của sự sống”
Tác giả cho rằng nền y học tương lai nên hướng đến quy luật tự nhiên, lắng nghe kịch bản của sự sống, đánh thức khả năng trị bệnh tự nhiên trong con người, bồi đắp sự sống, hơn là nền y học hiện tại - chỉ tập trung vào việc điều trị.
# Review:
Đây là một quyển sách có những quan điểm đối lập với những gì chúng ta biết như: sữa chua có tác dụng trị táo bón, ăn nhiều thịt mới tốt,...Tác giả đã chứng minh nhận thức của chúng ta sai lầm bằng những dẫn chứng cụ thể và khá thuyết phục.
Từ khi đọc quyển sách này, mình đã cải thiện thói quen sinh hoạt của mình bằng việc thực hiện chế độ ăn 85% thực vật, 15% động vật, ăn nhiều rau, củ, quả sạch (không chứa thuốc bảo vệ thực vật) do chính tay mình trồng, ăn đa dạng các loại rau củ sạch theo mùa, ăn ít thịt hơn, nhai kỹ hơn (30 - 50 lần đối với đồ ăn mềm, 70 lần đối với đồ ăn cứng), uống nước tốt, chuyển sang ăn ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, yến mạch,...), uống sữa ở mức vừa đủ, sống hạnh phúc,... Kết quả, tình trạng dạ dày mình tốt hơn, số lần mình bị ợ chua, trào ngược dạ dày giảm hẳn…
Tuy nhiên, trong quyển sách này, có một vài chỗ khiến mình băn khoăn. Ví dụ, theo mình tìm hiểu thì chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh hiệu quả của phương pháp thụt rửa coffee enemas và ta có thể sẽ gặp rủi ro khi thực hiện phương pháp này. Vả lại, nếu ta thực hiện chế độ ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý (như đã nói), đặc biệt là duy trì thói quen đại tiện vào lúc 5 - 7h sáng mỗi ngày (dựa trên các nghiên cứu khoa học) thì ta không bị táo bón và cũng chẳng cần thực hiện phương pháp coffee enemas (nên mình thấy phương pháp này không cần thiết lắm).
# Kết:
Đây là một quyển sách hay, bổ ích đối với những ai muốn sống lâu dài và khỏe mạnh chứ không phải ở trạng thái vô bệnh. Quyển sách giúp ta thoát khỏi những quan niệm sai lầm phổ biến về sức khỏe như ăn sữa chua mỗi ngày để cải thiện đường ruột,...; là một quyển sách đáng đọc để “công não” (nói thật: đọc đến đâu, mình tra Google đến đấy để kiểm chứng xem liệu thông tin có chính xác)
NHÂN TỐ ENZYME - PHƯƠNG THỨC SỐNG LÀNH MẠNH
Tác giả : Hiromi Shinya
NXB : Thế Giới
Định dạng : Sách nói / Sách PDF
Số trang : 192
Lượt xem/nghe : 7132
Lượt đọc : 10488
Lượt tải : 4241
Lượt xem Review : 269
Kích thước : 1.5 MB
Tạo lúc : Sat, 04/12/2021 13:55
Cập nhật lúc : 14:40pm 24/10/2022
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Nhân Tố Enzyme - Phương Thức Sống Lành Mạnh PDF của tác giả Hiromi Shinya nếu chưa có điều kiện.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensohoa.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Cám ơn sự hỗ trợ, động viên để duy trì và phát triển website. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank
Bài Trước Đó | Bài Tiếp Theo |