REVIEW SÁCH TÂY DU KÝ
Tác giả: Ngô Thừa Ân
Tuổi thơ của tôi là những ngày gắn với các trò chơi dân gian như: Bắn súng trái mây, nhảy cò chẹp, nhảy dây thun, chơi cờ đam, làm nhà chòi, chơi đám giỗ, tát ruộng bắt cá, câu cá rô, thả diều, chơi mua bán bằng lá cây.. Và điều cần phải kể đến chính là xem ti vi. Thuở tôi còn nhỏ, ti vi không phải là màn hình phẳng, tinh thể lỏng, không phải là smart ti vi, kết nối internet như bây giờ. Hiếm lắm mới có một nhà trong xóm có ti vi màu. Còn lại đa phần là ti vi trắng đen, màn hình nhỏ xíu chỉ mười bốn hoặc mười bảy inches là cùng. Thế mà cứ đến mỗi giờ chiều cuối ngày, trẻ con trong xóm tôi tụ tập lại ở một ngôi nhà nào đó, chầu chực, tranh chỗ rồi gây gổ chỉ để coi phim Tề thiên đại thánh, tức là phim Tây Du Kí của tác giả Ngô Thừa Ân.
Lớn lên một chút, tôi đi học cấp ba, tuổi thơ cũng còn âm vang giọng cười sảng khoái của lão Tôn, vẫn nhớ vẻ mặt háu ăn của Trư Bát Giới, vẫn nhớ chú ngựa trắng quanh năm đi theo thầy trò Đường Tăng dù lên núi hay xuống biển. Ngày đó tụi trẻ con chúng tôi còn hi vọng sau này cũng có một "Bạch mã hoàng tử" như thế. Tất nhiên là không phải là ngựa rồi, mà ước mơ về người yêu trong tương lai. Lúc này, dù không còn nhiều thời gian để mà chơi nữa nhưng vẫn thích xem phim Tôn đại thánh, nhiều lúc đang học bài mà nghe đến cái đoạn nhạc của phim giới thiệu, là mông cứ nhấp nhỏm, nhất định phải lượn qua một cái trước ti vi, để xem vẻ mặt tinh nghịch, trẻ con và yêu đời của Lão Tôn, và bật cười trước sự tham ăn của "Nhị sư huynh". Liên tục suốt mấy năm tuổi thơ, đến tận lúc vào đại học, và cả bây giờ, hè nào truyền hình cũng chiếu phim Tây Du Ký. Và như thế Tây Du Ký đã góp phần làm cho tuổi thơ của tôi thêm sinh động, đầy màu sắc, để mỗi lúc nhớ về cảm thấy vui vẻ, mãn nguyện.
Đến khi học đại học, tôi có cơ hội đọc được tác phẩm nguyên tác của Ngô Thừa Ân, và quả thật trong tôi bắt đầu có sự so sánh, giữa phim và truyện, giữa điện ảnh và tác phẩm văn học.
Tác phẩm Tây Du Ký của tác Ngô Thừa Ân gồm hai tập, được nhà xuất bản Văn học phát hành, là một tác phẩm văn học thuộc thể loại tiểu thuyết chương hồi, dài một trăm hồi, ra đời vào cuối thời Minh đầu thời Thanh. Nó còn được gọi ngắn gọn là tiểu thuyết Minh - Thanh. Tây Du Ký là một trong bốn tác phẩm gây sóng gió trong văn đàn văn học nghệ thuật: Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần, Thủy Hử (Một trăm lẻ tám anh hùng Lương Sơn Bạc) của Thi Nại Am, được coi là tinh hoa văn học Trung Quốc, là tinh hoa văn học thế giới.
Tây Du Ký là tác phẩm được xếp vào tứ đại kì thư, tứ đại tài tử thư bởi nội dung vô cùng phong phú với hàng trăm nhân vật, yếu tố kỳ ảo, huyền ảo đa dạng, phong phú, cách hành văn tài năng, và giọng kể chuyện hấp dẫn của Ngô Thừa Ân.
Tác phẩm là một cuộc đi tìm chân lý, phương hướng cho con người thoát khỏi nỗi khổ đau, thoát khỏi những hỉ, nộ, ái, ố của cuộc đời trần thế. Tác phẩm mang đậm dấu ấn tôn giáo Phật giáo. Đó là câu chuyện xảy ra vào thời Đường ở Trung Quốc, về các thầy trò Đường (Trần) Huyền Trang (còn gọi là Đường Tam Tạng), Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng, và chú ngựa trắng Bạch Tiểu Long lên đường đi sang Tây Trúc (Tây Thiên - theo quan niệm của người Trung Quốc xưa, đi về phía Tây chính là đi về cõi Phật, cõi Niết bàn), để cầu một bộ chân kinh về để siêu độ cho những linh hồn tội lỗi, những nạn nhân của bệnh tật, mất mùa, thiên tai, chiến tranh..
Mỗi một hồi trong truyện là một cửa ải mà các thầy trò Đường Tăng phải vượt qua để đến được với cõi Phật. Tác phẩm thể hiện chiều sâu ý nghĩa không chỉ ở khía cạnh tâm linh mà còn ở nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống con người lúc bấy giờ và kể cả con người hiện đại.
Qua nhân vật Tôn Ngộ Không, kết thúc truyện được Như Lai phong làm Đấu Chiến thắng Phật, Ngô Kỳ Ân gởi gắm ước mơ về những con người can trường, kiên trì, dũng cảm, mạnh mẽ, dám đấu tranh trước cái xấu, cái ác của những kẻ làm ác, và những cái xấu, cái ác của những kẻ đang là người tốt. Trong truyện, không dưới chục lần, Ngộ Không từng trước mặt các vị tối cao như Bồ Tát, Như Lai, các vị tiên phật, thánh thần, chất vấn sự sơ sót, sai lầm của họ đã gây ra nhiều ngang trái cho con người trần gian.
Trong hồi Đại náo thiên cung, Tề thiên Đại thánh từng chỉ vào mặt Ngọc Hoàng đại đế mà nói rằng, ngươi đã làm vua rất lâu rồi, năm nay đến lượt ta, năm sau sẽ lần lượt đến phiên các người khác. Chỉ một chi tiết nhỏ cũng đủ thấy giá trị phản ánh chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế đầy bất công lúc bấy giờ, theo kiểu cha truyền con nối như ca dao vẫn hát "Con vua thì lại làm vua". Một chi tiết thể hiện mong ước được bình đẳng, dân chủ.
Ở nhân vật, Trư Bát Giới, kết thúc truyện được phong làm Tịnh đàn Sứ giả - một chức vị không hề giống Phật chút nào, anh thẳng thắn bày tỏ thái độ không hài lòng. Nhưng rõ ràng, trong các nhân vật mà Ngô Thừa Ân đã xây dựng, theo tôi, Trư Bát Giới là nhân vật "người nhất". Trư Bát Giới mang vẻ sống động của con người bằng xương bằng thịt giống như mỗi chúng ta: Cũng ham ăn, cũng mê gái, cũng sợ chết, sợ đau, khi gặp khó khăn cũng nản lòng, thoái chí, và nhất là thích được chia tài sản.. Và với nhân vật này, Ngô Thừa Ân đã để lại dấu ấn sâu đậm về lòng yêu thương con người, trân trọng con người dù cho đó là con người chưa hoàn hảo.
Về nhân vật Đường Tam Tạng, trong quá trình tôi đọc tác phẩm văn học, tôi cảm thấy rất không thích nhân vật này. So với Đường Tam Tạng trong phim, thì nhân vật trong nguyên tác của Ngô Thừa Ân mới đúng là một con người bình thường nhất, lương thiện nhất thậm chí tôi từng nghĩ là "lương thiện đến ngu ngốc". Nhân vật này, trước tất cả các khó khăn, trở ngại trên đường đi, ông đều khóc, khóc và.. chỉ có khóc. Quả là một nhân vật rất mau nước mắt. Có lẽ, xây dựng kiểu nhân vật như thế, tác giả muốn gửi gắm rằng: Lòng yêu thương con người phải mạnh mẽ trong tâm Đường Tăng như thế nào, mới có thể giữ trọn niềm tin, ý chí vượt qua sự sợ hãi quá sức chịu đựng của bản thân đến cuối cùng trong 14 năm cực khổ sang được Tây Thiên. Đây là một con người đúng nghĩa hi sinh. Tôi không thích ngài ấy, vì tôi không đủ điều kiện để làm người của Phật chăng?
Trong tác phẩm, khi có khó khăn, các nhân vật khác, trừ Đường Tăng ra, đều ít nhất một lần thoái chí, chán nản. Nhị Sư huynh thì đòi chia tài sản, Đại sư huynh thì tức giận bỏ về Hoa quả sơn, còn lão tam thì im lặng không ý kiến. Chỉ duy nhất Đường Tăng là có một chấp niệm vô cùng với cõi Phật, tôn sùng thành kính, thiêng liêng với nhà Phật. Và chính vì vậy nên cuối cùng mới xứng đáng thành Phật.
Bề ngoài, Tây Du Ký có lẽ ca ngợi Phật giáo nhưng với tôi, sau khi đọc tác phẩm, so sánh với phim truyền hình, cùng thời gian chiêm nghiệm, tôi thấy Tây Du Ký còn giá trị hơn hẳn thế. Điều này còn phụ thuộc vào cách đọc và cách cảm của các bạn độc giả.
TÂY DU KÝ
Tác giả : Ngô Thừa Ân
NXB : Văn Học Hà Nội
Năm xuất bản : 1988
Định dạng : Sách nói / Sách PDF
Số trang : 1746
Lượt xem/nghe : 23345
Lượt đọc : 8626
Lượt tải : 6305
Lượt xem Review : 771
Kích thước : 5.39 MB
Tạo lúc : Thu, 22/09/2022 16:31
Cập nhật lúc : 15:35pm 27/09/2024
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Tây Du Ký PDF của tác giả Ngô Thừa Ân nếu chưa có điều kiện.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensohoa.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Cám ơn sự hỗ trợ, động viên để duy trì và phát triển website. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank
Bài Trước Đó | Bài Tiếp Theo |