REVIEW SÁCH SENECA - NHỮNG BỨC THƯ ĐẠO ĐỨC
Tác giả: Lucius Annaeus Seneca
Một cuộc sống tự do không bắt nguồn từ việc xin xỏ hay sự may mắn ngẫu nhiên. Nếu bạn đang tìm kiếm cho mình triết lý sống thông thái hơn thì mời bạn cùng Thư Viện Sách tìm hiểu về một trong những cuốn sách nền tảng của Chủ nghĩa Khắc Kỷ Seneca - Những bức thư đạo đức - Tập 1 qua bài viết dưới đây.
Vài nét về triết gia Khắc kỷ Seneca
Lucius Annaeus Seneca (4 TCN - 65) là một triết gia người La Mã thuộc trường phái Triết học Khắc kỷ và là chính khách, nhà biên kịch, nghệ sĩ hài đương thời, ngoài ra ông còn là một tên tuổi lớn của văn học La Mã. Seneca quan tâm đến việc áp dụng các nguyên tắc đạo đức Khắc kỷ vào cuộc sống của mình để chữa lành những tổn thương tâm lý. Câu hỏi chi phối các tác phẩm triết học của ông là làm thế nào một cá nhân có thể đạt được cuộc sống tốt đẹp. Các tác phẩm của ông chứ đầy những ví dụ sống động, những ẩn dụ ấn tượng, những câu nói hay và những hiệu ứng âm thanh dứt khoát. Ông biết cách thay đổi giọng điệu, từ cuộc trò chuyện bình thường đến lời cổ vũ mạnh mã và sự lên án quyết liệt.
Giới thiệu về Chủ nghĩa Khắc kỷ
Chủ nghĩa Khắc kỷ là một trong những trào lưu triết học có sức ảnh hưởng nhất trên thế giới. Bắt đầu từ những tác phẩm và lời dạy của ba nhà triết học đầu tiên thuộc trường phái Khắc Kỷ là Zeno xứ Citium (335 - 263 TCN), Cleanthes (331 - 232 TCN) và Chrysippus (khoảng 280 - 207 TCN), Khắc Kỷ đã trở thành trào lưu triết học quan trọng của thế giới Hy Lạp - La Mã, định hình sự phát triển tư tưởng trong Kỷ nguyên Kitô. Sau đó, các triết gia Khắc Kỷ Hy Lạp là Panaetitus (khoảng 185 - 109 TCN) và Posidonius (khoảng 135 - 51 TCN) sửa đổi một số nét đặc trưng của Chủ nghĩa Khắc Kỷ. Các nhà tư tưởng La Mã đã nối tiếp sự nghiệp, và Chủ nghĩa Khắc Kỷ đã trở thành tín ngưỡng bánh chính thức của giới chính trị và văn học La Mã. Cicero (106 - 43TCN) không đồng tình với những nhà Khắc Kỷ khác về các vấn đề diêu hình học và nhận thức luận, nhưng các quan điểm đạo đức và chính trị của ông rất gần gũi với quan điểm của họ, và kể cả khi không đồng tình, ông vẫn nỗ lực thể hiện sự ủng hộ đối với quan điểm của họ. Các nhà Khắc Kỷ La Mã như Seneca, Epictetus (giữa thế kỷ thứ nhất đến đầu thế kỷ thứ hai), Musonius Rufus (khoảng 30 - khoảng 102 TCN) và hoàng đế Marcus Aurelius (121 - 180, trị vì từ 161 - 180) đã sáng tác các tác phẩm Khắc Kỷ của riêng mình (ba tác phẩm cuối cùng viết bằng tiếng Hy Lạp). (Trích từ sách Seneca - Những bức thư đạo đức)
Một số cuốn sách khác về Chủ nghĩa Khắc kỷ bạn đọc có thể tham khảo thêm: Chủ nghĩa Khắc Kỷ, Khắc Kỷ - Từ Zeno đến Marcus, Thuyết Khắc Kỷ,…
Chủ nghĩa Khắc Kỷ của Seneca
Seneca tự nhận là người theo trường phái Khắc Kỷ. Ông bày tỏ lòng trung thành bằng cách liên tục đề cập đến “những người chúng tôi” (nostri) - những nhà Khắc Kỷ - trong các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, ông vẫn giữ sự độc lập trong mối quan hệ với các nhà Khắc Kỷ khác. Dù cam kết gìn giữ các học thuyết cơ bản của phái Khắc Kỷ, nhưng Seneca đã viết lại chúng dựa trên cơ sở kinh nghiệm của bản thân với tư cách là một người La Mã cũng như hiểu biết về các triết gia khác. Về mặt này, ông tuân theo truyền thống đổi mới triết học Khắc Kỷ mà minh chứng rõ ràng nhất là Panaetius và Posidonius, những người đã đưa thêm một số yếu tố của triết học Platon và Aristotle khi áp dụng Chủ nghĩa Khắc Kỷ vào hoàn cảnh La Mã. Seneca khác với những nhà Khắc Kỷ trước đó vì ông hoan nghênh một số khía cạnh của triết học Epicurus cùng những trường phái khác.
Trên tất cả, Seneca quan tâm đến việc áp dụng các nguyên tắc đạo đức Khắc Kỷ vào cuộc sống của mình và của những người khác giống ông. Câu hỏi chi phối các tác phẩm triết học của ông là làm thế nào một cá nhân có thể đạt được cuộc sống tốt đẹp… (Trích từ sách Seneca - Những bức thư đạo đức)
Giới thiệu về sách Seneca - Những bức thư đạo đức
Seneca - Những bức thư đạo đức chia sẻ đến bạn đọc 60 bức thư đạo đức về những chủ đề triết học trong đời sống. Mỗi một bức thư đều được viết bằng cả tâm huyết của nhà triết học Khắc Kỷ Seneca, không những giúp bạn đọc tiếp cận dễ dàng hơn với việc thực hành chủ nghĩa Khắc Kỷ trong đời sống mà còn là những lời khuyên chân thành về một cuộc sống bình thản, hạnh phúc một cách đúng nghĩa nhất.
Tiền bạc, của cải và sự công nhận của mọi người luôn dễ dàng dẫn dắt lý trí đi đến những con đường lầm lạc. Để có một tâm thế vững vàng hơn trước những sóng gió, cám dỗ của cuộc đời thì việc tôi luyện lý trí sắt đá sẽ là nền tảng để bạn tồn tại quật cường, sống thanh thản hơn rất nhiều. 60 bức thư đạo đức của Senece một trong bốn triết gia Khắc Kỷ nổi tiếng sẽ giúp bạn buông bỏ những thứ không quan trọng và mở đường để chúng ta tìm kiếm triết lý sống từ chính bản thân mình.
Bạn đọc không cần phải đọc cuốn sách từ đầu, theo một trình tự nhất định. Hãy lật bất kỳ một bức thư trong sách và suy ngẫm những lời khuyên, triết lý nhân văn, sâu sắc từ triết gia thông thái Seneca.
Cảm nhận về sách
Bức thư số 4: Đối mặt với cái chết
Sự kết thúc của một kiếp người làm con người rất sợ hãi nếu phải đối mặt với cái chết. Ai cũng mong muốn kéo dài sự sống và càng về già chúng ta lại càng sợ chết vì biết rằng điều này đang đến gần. Sự vô tư, thanh thản sẽ biến mất bất cứ lúc nào nếu tâm trí chúng ta đang nuôi dưỡng sự sợ hãi mỗi ngày. Bánh xe số phận vẫn sẽ lăn mặc cho bạn có “đầu tư” thêm cho nỗi sợ, để đối mặt với cái chết một cách bình thản, hãy đập tan mọi lắng lo về sự kết thúc và sống một cuộc đời ý nghĩa bằng cách thuận theo tự nhiên, đừng chống đối, đừng thắc mắc vì sao số phận lại như vậy với bạn. Hãy sống, trải nghiệm, khi đạt đến được sự bình thản trong tâm thì cái chết sẽ chẳng là điều gì đó quá đáng sợ với bạn.
Bức thư số 23: Niềm vui đích thực trong cuộc sống
Thánh thần ngự trị trong tâm của mỗi người nhưng lại bị che lấp bởi những thú vui rỗng tuếch ta tìm kiếm từ bên ngoài. Sự góp nhặt hạnh phúc trong mê mờ thoáng chốc sẽ mãi thay con người ru vỗ, nuông chiều bản thân theo một chiều hướng tiêu cực vì chúng ta không biết đặt ra giới hạn cho riêng mình. Từ bỏ những thứ lộng lẫy bề ngoài để bắt đầu quá trình nhìn vào bên trong đem đến niềm vui vĩnh hằng và bạn sẽ chẳng phải tìm kiếm niềm vui ở đâu cả. Hạnh phúc đích thực không có thời hạn, chỉ những thói ăn chơi phù phiếm mới có hạn sử dụng.
Bức thư số 60: Những lời cầu nguyện đều không thích hợp
Sẽ chẳng có bất cứ một tiêu chuẩn nào về sự sở hữu là đủ với một tâm trí tham lam cả. Chính vì những nhu cầu không có điểm dừng của con người mà cuộc sống trở nên cạn cợt, không có chiều sâu. Vì cảm giác chưa đủ nên chúng ta mãi xin xỏ những thứ lặt vặt, ai cũng đến những đền chùa, nhà thờ để cầu nguyện mọi điều tốt đẹp về mình mà chẳng hề quan tâm đến ý nghĩa cuộc sống là gì. Chẳng ai chịu thỏa mãn với thực tại, kỳ thực những nhu cầu thật sự để nuôi sống con người rất ít nhưng lòng tham thì vô đáy. Mọi sự thống khổ, cảm giác bất hạnh làm xói mòn niềm tin về cuộc đời nàybởi chúng ta không có sự biết ơn về những thứ mình đang có, về những món quà vô giá xung quanh mình. Ai cũng ra sức tìm kiếm và tích trữ thật nhiều thứ, vẻ đẹp của sự sống bị chính con người ngang ngược cự tuyệt chỉ vì gốc rễ của “cái tôi quá tham lam”
“Khi nào bạn có thể chắc chắn mình không bị ràng buộc bởi những ham muốn: Khi bạn cảm thấy có thể nói cho cả thế giới biết những điều bản thân muốn cầu xin Chúa” (Athenodorus)
Trích dẫn hay từ sách
o Bất cứ thứ gì đến với ta bởi lòng ham muốn đều không thuộc sở hữu của ta. o Không ai phải lo lắng sợ hãi nếu có thể thực sự sống trong hiện tại. o Nếu sống thuận theo tự nhiên, bạn sẽ không bao giờ nghèo khó. Nếu sống theo quan điểm của người khác, bạn sẽ không bao giờ giàu có. (Epicurus) o Người không thể cảm nhận được hạnh phúc trong tâm mình, dù có cả thế giới trong tay cũng cảm thấy khốn khổ mà thôi. o Vận mệnh không phán quyết hành vi của một người. Hãy để ông ta tự chịu trách nhiệm, để tâm trí viên mãn trong tĩnh tại, không quan tâm được mất, luôn bình thản trước mọi chuyện. Nếu của cải, vật chất tầm thường chất đống xung quanh, tâm trí ông ấy sẽ vượt lên chỗ tài sản ấy, còn nếu có sự vụ gì xảy ra khiến một trong số chúng, hay thậm chí toàn bộ, bị mất đi, ông ta cũng không vì thế mà suy sụp.
Lời kết
Mọi đau khổ sẽ chấm dứt nếu chúng ta thôi buộc tội cuộc sống, trui rèn lý trí, đạo đức là quá trình nuôi dưỡng tâm trí đến một cuộc sống đầy bản lĩnh và bình thản. Cuốn sách “Seneca - Những bức thư đạo đức” sẽ mang triết học Khắc Kỷ đến gần với bạn đọc hơn, để triết học giúp bạn thay đổi cuộc đời.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của Sách Hay 24H, hy vọng những bài viết tiếp theo của Sách Hay 24H sẽ nhận được sự quan tâm và theo dõi của bạn.
Review bởi Dương Hà
SENECA - NHỮNG BỨC THƯ ĐẠO ĐỨC
Tác giả : Lucius Annaeus Seneca
Định dạng : Sách nói / Sách PDF
Số trang : 156
Lượt xem/nghe : 25036
Lượt đọc : 14621
Lượt tải : 5385
Lượt xem Review : 778
Kích thước : 1.09 MB
Tạo lúc : Thu, 27/10/2022 20:22
Cập nhật lúc : 21:21pm 11/04/2024
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Seneca - Những Bức Thư Đạo Đức PDF của tác giả Lucius Annaeus Seneca nếu chưa có điều kiện.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensohoa.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Cám ơn sự hỗ trợ, động viên để duy trì và phát triển website. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank
Bài Trước Đó | Bài Tiếp Theo |