Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank
TỦ SÁCH TINH HOA:
Huy Cận: một Vẻ đẹp của quá khứ
Từ hồi tuổi mới 20 - 25, Huy Cận đã biết tạo cho thơ mình một vẻ đẹp khá già dặn. Cái tên Lửa thiêng, có lẽ không hẳn đã hợp với các bài thơ trong tập, đơn giản là vì chất thiêng ở đây còn thấp thoáng một vẻ phôi phai trần tục và khó lòng nói là đã có được sắc thái riêng. Mà phù hợp hơn, khi muốn tìm ra cái phần tinh hoa trong thơ Huy Cận lúc ấy, tôi muốn dùng chữ đẹp xưa, như tên một bài thơ khác của ông. Thật vậy, nếu nhớ tới Xuân Diệu, luôn luôn ta nhớ cái líu ríu cuống quýt mau với chứ vội vàng lên với chứ của ngày hôm nay thì giọng thơ Huy Cận thật khoan thai trầm mặc, nó là tiếng nói của một nhà thơ luôn sống với một quãng lùi để có thể nhìn mãi tận xa xưa.
Cũng giống như Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, thơ Huy Cận hồi ấy cho chúng ta biết một khía cạnh đặc biệt làm nên cái điệu tâm hồn Việt Nam. Ngậm ngùi. Chiều xưa. Tràng giang. Nhạc sầu... Những bài thơ đó thuộc về cách nghĩ một thời. Quá khứ hằn lên với những vết mòn. Mờ xa mà thắm thiết. Và xa vắng, và đìu hiu. Tôi nghĩ tới cái màu ngói cổ. Tôi nghĩ tới cái cái hoà sắc riêng của những đền chùa Việt Nam, những bức tường rêu phong, những hàng cột không chói lọi sơn son thiếp vàng, mà màu đỏ ở đây như có cái vẻ trĩu xuống đất, lẫn vào chung quanh, nhẫn nại, cam chịu.
Cũng đã có lần Huy Cận nói tới một vẻ đẹp hoang dại dân dã Đường trong làng hoa dại với mùi rơm -- Tôi cùng người đi dạo giữa đường thơm. Nhưng những bài thơ hay nhất của ông thường có cái vẻ sang trọng pha chút quý phái. Cố nhiên không bao giờ ta quên rằng hồn thơ ấy chỉ có thể hình thành nhờ ảnh hưởng Tây phương. Dấu vết của thơ Pháp còn trải khắp tập Lửa thiêng ( kiểu như Sớm hôm nay hồn em như tủ áo -- ý trong veo là lượt xếp từng đôi ). Có điều, ở những bài hay nhất trong tập, ta gặp lại cái vang hưởng Trung Hoa vốn đến với ta từ lâu lắm.
Xa rồi khuất ngựa sau non -- Nhỏ thưa tràng đạc tiếng còn tịch liêu. Tràng đạc là gì? Có phải là tiếng chuông lắc trên cổ con ngựa? Sao không nói sông dài mà lại phải gọi Tràng giang? Không ai định hỏi và xưa nay tác giả cũng không nói. Cũng như ta không bao giờ thắc mắc về những gió thanh tân, tình vạn lý, những đồng trăng lục nhạt vàng thanh lối gần..., chỉ có cảm tưởng những chữ ấy câu ấy nói hộ một điều bấy lâu vẫn sống âm thầm dai dẳng trong mỗi tâm hồn.
Cái vẻ chín tới này không chỉ có mặt trong Lửa thiêng mà về sau, còn một lần nưã đến với Huy Cận. Những năm sáu mươi của thế kỷ XX không chỉ là một giai đoạn thanh bình hiếm có đến với đất nước sau cuộc kháng chiến chống Pháp, mà còn đánh dấu một bước phục hưng thực sự trong đời sống thơ ở Hà Nội. Nó không đi tìm những cái mới lạ. Mà nó quay về với cái lãng mạn và bằng sự hồn nhiên của mình, đạt tới một trình độ cổ điển mới.
Chế Lan Viên có ánh sáng và phù sa với cái phần e ấp chờ đợi hồi hộp khát khao ít thấy; ánh sáng và phù sa tuy không được dư luận coi là tiêu biểu song theo tôi lại là cái phần hay nhất trong sáng tác của họ Chế. Rồi Tế Hanh có Gửi miền Bắc không dễ dãi như tác giả này vốn có; Xuân Diệu có Cầm tay, chùm thơ tình, mà chất lượng hoàn toàn có thể đọ với Thơ thơ ngày xưa. Và Huy Cận có Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Bài thơ cuộc đời … Nếu đối diện với những bài hay nhất rút ra từ ba tập này, chúng ta sẽ thấy lại cái vẻ chín, đầy đặn, chắc chắn của thơ ông.
Thu tới ngoài kia -- Nghe nhân thơm trong trái nặng -- Nghe nhựa ấm trong cành thưa --- Nghe run rẩy tiếng gió ru lúa chín -- Xôn xao cuống lá rụng thay mùa. Sinh thời, nói chuyện với tôi, Nguyễn Minh Châu tỏ ý rất chịu bài Chín với mấy câu mở đầu như vậy. Còn đám học trò cấp ba chúng tôi hồi trước chiến tranh thì mê đủ thứ, cả cái cảm giác lộng lẫy toát lên từ sự hài hoà của trời đất trong Đoàn thuyền đánh cá, lẫn cái đạm bạc như một bức tranh thuỷ mạc của Mưa xuân trên biển ( mà một câu trong đó là Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm ), rồi nữa, cái lạ lùng bất ngờ của những bài thơ Huy Cận viết từ nước ngoài ( Trò chuyện với Kim Tự tháp, Xem tranh Tề Bạch Thạch v..v.. ).
Quá mê các bậc đàn anh tới mức chịu đi sau làm cái bóng của họ là lỗi của một lớp người trẻ tuổi, song quả thực, có dễ gì vượt được một chuỗi tài năng cùng lúc toả sáng như vậy. Họ đã chín trong hoàn cảnh của họ, còn chúng tôi phải chăng cái sự sống sít, dang dở theo mãi như một nghiệp chướng? …
Một bạn Việt kiều, cũng quê Hà Tĩnh như Huy Cận, sau mười lần về nước, gần đây có nhận xét rằng người Hà Nội có vẻ quá “chúi mũi “ vào thưởng thức văn chương, tự ru ngủ trong những câu thơ vần vèo thánh thót mà coi nhẹ tư tưởng bộc lộ qua trang viết. Lúc tỉnh táo và thử làm khác mình đi, tôi cũng muốn nghĩ thế. Nhưng biết làm thế nào?! Thơ, với chúng tôi, đó là tuổi trẻ, là sự có mặt trong đời, là hy vọng, là cái sự hồn nhiên được gặp gỡ với bao nhiêu tâm hồn.
Như với Huy Cận mà hôm nay ra đi. Chỉ vừa nghe tin ngày 19-2 ông đã vĩnh viễn nằm xuống là tâm trí đã xôn xao như những gì nhạy cảm nhất đang cùng rung lên trong lòng. Không còn những chuyện tầm thường nhếch nhác của đời sống hàng ngày, không còn bao nhiêu trơ lỳ, già cỗi, thóai hoá, nó chia rẽ những người cùng sống một thời, mà chỉ còn những câu thơ hay nhất tác giả từng viết, những câu thơ thời trẻ bọn tôi đã thuộc, lục tục kéo tới. Tác giả Lửa thiêng là thế, thơ Huy Cận đã thuộc về một phần tài sản tinh thần của cả mấy thế hệ hôm nay.
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Tuyển Tập Thơ Huy Cận PDF của tác giả Huy Cận nếu chưa có điều kiện.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensohoa.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Bài Trước Đó | Bài Tiếp Theo |