PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
Tác giả : Ribur Rinpoche
Giọng đọc : Diệu Pháp Âm
Định dạng : Sách nói / PDF
Số trang : 77
Lượt xem/nghe : 44
Lượt đọc : 5
Lượt tải : 3
Kích thước : 1.39 MB
Tạo lúc : Sat, 29/10/2022 16:24
Cập nhật lúc : 07:58am 21/02/2025
Đọc Sách
Nhạc Chữa Lành Bình Luận
Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank
![]() |
![]() |
Lời Nói Đầu
Năm 1997, Trung Tâm Phật Giáo A Di Đà (Amitabha Buddhist Centre) may mắn thọ nhận bài pháp do đại sư Ribur Rinpoche truyền dạy. Đại sư đến viếng Trung Tâm Phật Giáo A Di Đà hai lần, lưu lại tổng cộng ba tháng rưỡi, truyền dạy pháp tu lam-rim [Bồ Đề Đạo Thứ Luận - nghĩa là đường tu tuần tự giác ngộ] và pháp lo-jong (phương pháp chuyển tâm). Cuốn sách nhỏ này ghi lại khóa giảng lần đó.
Tiểu Sử
Ngài Ribur Rinpoche sinh năm 1923 tại tỉnh Kham nước Tây Tạng. Năm lên năm, ngài được xác nhận là hóa thân đời thứ sáu của Lama Kunga Osel, một đại sư uyên thâm quảng bác đã tĩnh tọa nhập thất trong suốt thời gian mười hai năm cuối cuộc đời. Năm vị hóa thân đời trước của ngài đều là sư trưởng của Tu Viện Ribur ở Kham.
Năm 14 tuổi, Ribur Ripoche vào Tu Viện Sera tu học. Đây là một trong những viện đại học Phật giáo lớn nhất của dòng Gelug tại thủ đô Lhasa. Từ đó ngài bắt đầu ráo riết tu học Phật Pháp, đến năm 25 tuổi nhận bằng tiến sĩ Phật học (Geshe degree). Trong thời gian tu học tại Tu Viện Sera, ngài thường đến dự khóa giảng và nhận nhiều pháp quán đảnh từ đấng bổn sư là ngài Pabongka Rinpoche, lúc bấy giờ đang là vị Thầy cao trọng nhất của dòng Gelug. Sau khi tu học hoàn tất, Ribur Rinpoche trở về Kham, nhiều năm nhập thất trong căn chòi nhỏ dựng giữa rừng. Đến năm 1950, Trung Quốc xâm nhập Tây Tạng, hoàn cảnh xứ Kham càng lúc càng nguy hiểm. Năm 1955, một trong những đấng đạo sư của ngài là Trijang Rinpoche đã khuyên ngài nên về Lhasa để tiếp tục nhập thất tu học.
Nhưng ngay sau đó tình thế ở thủ đô Lhasa cũng không còn an toàn. Từ năm 1959 (là năm người dân Tây Tạng vùng dậy) cho đến năm 1976, ngài phải trải qua nhiều cảnh sống khó khăn cùng cực, bị tù đày, đánh đập, làm chứng nhân bất lực trước sức tàn phá khủng khiếp của cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Dù vậy, ngài vẫn giữ được niềm an lạc, hoan hỉ hành trì những pháp tu đã học. Ngài nói, “tôi không thật sự cảm thấy khổ sở khó khăn khi phải sống trong nghịch cảnh như vậy. Đó toàn là nhờ lòng từ bi của Lama Dorje Chang [Pabongka Rinpoche]. Nhờ Thầy tôi mà tôi học được một vài phương pháp chuyển tâm, khi gặp nghịch cảnh tâm tôi tức thì nhìn ra chân tướng của luân hồi, của phiền não ô nhiễm, của nghiệp quả, v.v… Vì vậy tôi thật sự cảm thấy thoải mái an lạc.”
Sau Cách Mạng Văn Hóa, ngài cùng đức Ban-thiền Lama (Panchen Lama) ra sức gom lại kho tàng Phật Pháp Tây Tạng đã bị phá hủy. Hai thành tựu đáng kể của ngài là tìm lại được hai tượng Phật Thích Ca quí giá nhất ở Tây Tạng: Jowo Chenpo và Ramo Chenpo. Hai pho tượng này do hai vị hoàng hậu của vua Songsten Gampo (617-698), một vị người Trung Hoa và một vị người Nepal, đưa vào Tây Tạng. Đến thời Cách mạng Văn Hóa, hai pho tượng này bị chở đi Bắc Kinh, cất trong một kho hàng nào đó chung với hàng ngàn pho tượng khác, thất lạc suốt 17 năm mãi đến khi Ribur Rinpoche tìm lại được, hoàn trả về lại chùa cũ ở Lhasa.
Năm 1987, Ribur Rinpoche rời Tây Tạng sang tỉnh Dharamsala ở nước Ấn Độ để tìm gặp đức Đạt-lai Lạt-ma. Từ đó về sau ngài trụ tại Tu Viện Namgyal ở Dharamshala. Đáp lời thỉnh cầu của đức Đạt-lai Lạt-ma, ngài soạn lại tiểu sử của rất nhiều vị đại lama, cùng một bộ sách rất công phu nói về lịch sử tôn giáo Tây Tạng. Ngài đã từng thuyết pháp ở nhiều nơi trên thế giới như Úc, Tân Tây Lan, Mỹ và các nước Âu Châu. Với tính tình vui vẻ ấm cúng, trí tuệ sâu thẳm cùng lời dạy luôn gần gũi với thực tế, ngài là đấng đạo sư vô vàn kính yêu của Phật tử nhiều nơi trên thế giới.
Nguồn Gốc Giáo Pháp Lam-rim
Hai ngàn năm trăm năm về trước, đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành tựu đại giác ngộ và hướng dẫn đường đến giác ngộ cho người khác bước theo. Giáo pháp của Phật có thể giữ gìn sống động cho đến ngày nay là nhờ tấm lòng từ bi và sự nỗ lực của rất nhiều thế hệ hành giả tiếp nối không gián đoạn, đời này nhận pháp từ sư phụ, chuyên tâm tu tập hành trì, rồi truyền lại cho đời sau. Ở Tây Tạng, tinh yếu lời Phật dạy được tóm gọn trong giáo pháp gọi là lam-rim [Bồ đề đạo thứ luận], còn gọi là con đường tuần tự giác ngộ, giảng về từng giai đoạn trên đường tu giác ngộ.
Giáo pháp Lam-rim chủ yếu chia thành ba giai đoạn, tương ứng với ba loại căn cơ tâm nguyện của người tu theo Phật Pháp. Giai đoạn thứ nhất gọi là “căn cơ bậc thấp” [sơ căn], người tu bước vào giai đoạn này khi bắt đầu biết quan tâm đến kiếp sau của mình. Biết quan tâm như vậy là vì hiểu được đời sống hiện tại có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, sau khi chết phần lớn sẽ phải sinh vào cõi ác đạo (súc sinh, ngạ quỉ hay địa ngục), nếu muốn tái sinh vào thiện đạo thì phải qui y Tam Bảo, sống thuận theo nhân quả.
Giai đoạn thứ hai là “căn cơ bậc trung” [trung căn], ở đây người tu phát khởi tâm nguyện muốn vĩnh viễn vượt thoát sinh tử luân hồi. Quan trọng nhất trong giai đoạn này là tu theo Tứ Diệu Đế: [1] khổ; [2] nguyên nhân của khổ (nghiệp và phiền não); [3] trạng thái diệt khổ (niết bàn); và [4] phương pháp diệt khổ qua ba môn vô lậu học Giới, Định và Tuệ.
Giai đoạn thứ ba là “căn cơ bậc cao” [thượng căn]. Người tu trong giai đoạn này mở rộng con tim, quan tâm đến cảnh sống của tất cả mọi loài chúng sinh. Nhìn thấy chúng sinh không muốn khổ mà cứ phải chịu khổ, muốn an vui mà chẳng lúc nào an vui, vì thấy như vậy nên người tu muốn nhanh nhanh đạt giác ngộ viên mãn để sớm có khả năng giúp đỡ chúng sinh. Tâm nguyện vị tha này chính là tâm bồ đề.
Tập sách nhỏ trong tay quí vị gom lại một số bài giảng quí giá của Ribur Rinpoche, hướng dẫn phương pháp phát tâm bồ đề và chuyển tâm, từng bước từng bước một, chuyển tâm vị kỷ chỉ biết có mình thành tâm vị tha biết quan tâm đến người khác.
Sách này có được là nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều người: bài giảng của Rinpoche được Fabrizio Pallotti khéo léo thông dịch ra tiếng Anh; nhiều học viên ABC hoan hỉ đánh máy từ băng ghi âm, tôi hiệu đính bản đánh máy nhờ sự giúp đỡ của Doris Low và Risen Koben.
Khagye Khadro
Tháng 10 - 1998
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Phát Tâm Bồ Đề PDF của tác giả Ribur Rinpoche nếu chưa có điều kiện.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensohoa.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Bài Trước Đó | Bài Tiếp Theo |