SỔ TAY CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ
Tác giả : Jonas Salzgeber
Định dạng : Sách nói / Sách PDF
Số trang : 217
Lượt xem/nghe : 5394
Lượt đọc : 2366
Lượt tải : 1041
Lượt tải AudioBook : 202
Kích thước : 1.94 MB
Tạo lúc : Thu, 27/10/2022 20:49
Cập nhật lúc : 15:06pm 11/05/2023
Hi vọng các bạn có thể ủng hộ trong khả năng, để giúp đỡ đội ngũ biên tập và chi phí duy trì máy chủ đang ngày một tăng. Mọi đóng góp xin gửi về:
Người nhận: Hoàng Nhật Minh
Số tài khoản: 103873878411
Ngân hàng: VietinBank
TỦ SÁCH TINH HOA:
Có thể bạn đã tình cờ đọc được một câu trích dẫn tâm đắc của triết gia Khắc kỷ hoặc bạn đã đọc một bài báo về chủ nghĩa Khắc kỷ đầy cảm hứng. Có thể bạn đã được một người bạn nhắc đến triết lý tuy đã lâu đời nhưng vẫn hữu ích này; hoặc bạn đã nghiên cứu một hoặc hai cuốn sách về Chủ nghĩa Khắc kỷ. Hoặc có thể, mặc dù cơ hội là rất thấp, bạn thậm chí chưa bao giờ nghe nói về điều đó trước đây.
Tuy nhiên, thật dễ dàng để tiếp cận Chủ nghĩa Khắc kỷ theo cách này hay cách khác. Mặc dù vậy, để hiểu và giải thích chính xác nó là gì, là một chuyện khó khăn. Nhận biết và nhìn thấy mức độ liên quan của nó trong thời đại này cũng như cách nó có thể giúp ích cho bạn, là một chuyện đầy thách thức. Nắm bắt được tinh túy và mang nó vào thực tế, là một chuyện vô cùng tham vọng - Nơi cất giấu vàng chính là đây.
Những gì mà các nhà Khắc kỷ dạy và thực hành trong thời đại các đấu sĩ chiến đấu vì mạng sống của họ và trong thời kỳ chiến tranh của người La mã vẫn còn tính ứng dụng đáng kể trong thời đại ngày nay, thời đại của Facebook và Trò chơi Vương quyền (Games of Thrones). Sự uyên thâm của triết lý cổ đại này mang tính vượt thời gian, và nó chắc chắn sẽ giúp bạn đạt được một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa.
Trong tay bạn là một bản đồ kho báu. Cuốn sách giới thiệu cho bạn những triết gia hàng đầu. Cuốn sách cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan dễ hiểu về Chủ nghĩa Khắc kỷ. Cuốn sách dạy cho bạn những nguyên tắc cốt lõi. Cuốn sách đưa ra 55 Bài thực hành Khắc kỷ và những chỉ dẫn hữu ích để áp dụng trong cuộc sống đầy thử thách. Và quan trọng nhất, nó chỉ cho bạn cách biến lý thuyết thành hành động.
“Thật tuyệt vời! Nhưng làm thế nào để một người mới hai mươi tuổi đầu biết cách giải mã bản đồ kho báu Khắc kỷ cho cuộc sống tốt đẹp?” Thật lòng mà nói, nếu là tôi, tôi cũng sẽ thắc mắc về điều đó. Sau nhiều năm đi học, tôi chán ngấy việc đọc những cuốn sách và bài báo học thuật mà không thực sự dạy cho tôi bất cứ điều gì có giá trị trong cuộc sống thực. Vì vậy, ngay sau khi nộp bài luận cuối cùng, tôi rời đi và bắt đầu chuyến du lịch vòng quanh thế giới kéo dài 7 tháng. Tôi muốn đi xa, tôi muốn khám phá những địa điểm và nền văn hóa khác, nhưng chủ yếu là tôi muốn tìm hiểu về bản thân để biết mình muốn làm gì với cuộc đời mình khi trở về. Tôi không làm được điều đó, nhưng tôi lại phát hiện ra: “Tôi đã bỏ lỡ lớp học dạy về cách sống mất rồi?!”
Trong mười lăm năm rưỡi đi học, tôi đã học toán, lý, hóa, sinh và nhiều thứ khác, nhưng đã không học được: Cách đối phó với những tình huống khó khăn? Làm thế nào để đối mặt với nỗi sợ hãi và những trăn trở? Phải làm gì với cảm giác trầm cảm của tôi? Làm thế nào để đối mặt với cái chết của bạn tôi? Phải làm gì với cơn giận của tôi? Làm thế nào để tự tin hơn? Tôi chắc đã bỏ lỡ tất cả các lớp học đó. Nhưng đó chính xác là những gì mà các trường học triết học đã dạy hồi xưa, những trường học đó dạy bạn cách sống. Và mặc dù những ngôi trường này không còn tồn tại nữa, bạn và tôi và hầu hết mọi người đều rất cần một triết lý dạy chúng ta cách sống như trong quá khứ.
Tóm lại, tôi quyết định đầu tư vào bản thân và học cách sống đúng đắn. Trong tất cả những kiến thức mà tôi “ăn” trọn được từ những năm sau đó, triết học Khắc kỷ đã giúp tôi nhiều nhất, mặc dù câu chuyện có khởi đầu không tốt đẹp lắm. Trước khi tôi biết nhiều (hay bất cứ điều gì) về triết học, tôi đã nghĩ đây phải là thứ nhàm chán nhất quả đất. Ý tôi là, suy cho cùng, nó được gọi là Chủ nghĩa Khắc kỷ chứ không phải “Chủ nghĩa Siêu nhân” hay một cái gì đó khác gây được sự tò mò.
Dù sao thì tôi cũng đã thử sức, đã bị cuốn hút, và kể từ đó tôi đã trở thành một học trò “phàm ăn” và là người thực hành triết học Khắc kỷ. Và mặc dù tôi đã đọc đi đọc lại vô số cuốn sách, tôi vẫn luôn thiếu nguồn cung cấp cái nhìn tổng quan giải thích đơn giản và chính xác Chủ nghĩa Khắc kỷ là gì. Vì vậy, tôi đã viết một bài báo để làm điều đó: Cung cấp một cái nhìn tổng quan về triết lý Khắc kỷ và cụ thể nó là gì. May mắn thay, nhiều người yêu thích bài báo và thấy nó vô cùng hữu ích - đến cái mức mà kẻ nào đó đã ăn cắp tất cả nội dung và bán nó như một cuốn sách của mình. Điều này đã thử thách tư duy Khắc kỷ của cá nhân tôi, mà dù sao thì tất cả đánh giá năm sao mà nó nhận được khiến cho tôi biết rằng mọi người thực sự muốn tìm hiểu về triết lý này.
Vì vậy mà tôi ở đây, say mê viết về những gì đã chiếm khá nhiều thời gian nghiên cứu và đúc kết từ triết lý tuyệt vời này. Tôi khẳng định rằng cuốn sách này sẽ đóng góp vào tư liệu Khắc kỷ hiện đại và quan trọng nhất là nó sẽ phục vụ bạn trên hành trình đi tìm một cuộc sống tốt đẹp. Bởi vì đó thực sự là những gì Chủ nghĩa Khắc kỷ đem lại: giúp bạn sống một cuộc đời tuyệt vời.
Bất cứ điều gì bạn đang trải qua, sẽ luôn có lời khuyên Khắc kỷ giúp ích cho bạn. Bất chấp tuổi đời của Triết lý Khắc kỷ, nội dung của nó thường mang lại cảm giác hiện đại và mới mẻ một cách đáng ngạc nhiên. Nó có thể giúp bạn có độ bền và sức mạnh cho cuộc sống đầy thử thách. Nó có thể giúp bạn trở nên kiên cường về mặt cảm xúc để bạn không bị khuấy động bởi các sự kiện bên ngoài và người khác sẽ không thể kích động bạn. Nó có thể dạy bạn kiềm chế và giữ bình tĩnh trong cơn bão cuộc đời. Nó có thể giúp bạn đưa ra quyết định và do đó đơn giản hóa đáng kể cuộc sống hàng ngày.
Seneca nói: “Kẻ nào đi học với một triết gia, thì nên học từ người đó một điều tốt đẹp mỗi ngày: hàng ngày anh ta nên trở về nhà trong một phiên bản hoàn thiện hơn, hoặc đang trở nên hoàn thiện hơn.” Thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ giúp bạn tự hoàn thiện bản thân; nó dạy bạn cách sống sao cho đúng với các giá trị đáng mơ ước như: lòng dũng cảm, sự kiên nhẫn, tính kỷ luật, sự trầm lặng, sự kiên trì, sự tha thứ, lòng tốt và sự khiêm tốn. Những mỏ neo này cho bạn sự vững chãi và những chỉ dẫn giúp bạn nâng cao sự tự tin.
Và bạn cũng có thể nhận được điều đó. Trên thực tế, triết học Khắc kỷ đã biến cuộc sống tốt đẹp trở thành mục tiêu có thể đạt được đối với mọi người, vượt qua cả các tầng lớp xã hội - bất kể bạn giàu hay nghèo, khỏe mạnh hay ốm yếu, được giáo dục tốt hay không, điều đó không ảnh hưởng gì đến khả năng sống tốt của bạn. Những người theo chủ nghĩa Khắc kỷ là bằng chứng sống động cho thấy việc một người bị đày ra đảo hoang và vẫn hạnh phúc hơn kẻ sống trong cung điện là một điều hoàn toàn khả thi. Họ hiểu rất rõ rằng mối liên kết giữa hoàn cảnh bên ngoài và hạnh phúc của chúng ta thực chất chỉ là mỗi liên kết lỏng lẻo.
Trong Chủ nghĩa Khắc kỷ, những gì bạn làm trong hoàn cảnh đó còn quan trọng hơn nhiều. Những người theo Chủ nghĩa Khắc kỷ nhận ra rằng cuộc sống tốt đẹp phụ thuộc vào sự phát triển phẩm chất, lựa chọn và hành động của một người; chứ không phụ thuộc vào những gì xảy ra trong thế giới không thể kiểm soát xung quanh chúng ta. Đây, những người bạn theo chủ nghĩa Khắc kỷ của tôi ơi, đây chính là gốc rễ của khía cạnh khó xơi và đồng thời rất hấp dẫn của Chủ nghĩa Khắc kỷ - nó khiến chúng ta phải chịu trách nhiệm và bỏ đi mọi lý do bào chữa cho việc chúng ta không sống một cuộc sống tốt nhất có thể.
Bạn và tôi, chúng ta chịu trách nhiệm về sự phát triển của chính mình. Chúng ta có trách nhiệm không để hạnh phúc của mình bị phụ thuộc vào ngoại cảnh - chúng ta không nên để một cơn mưa, những người lạ rất khó chịu hoặc một chiếc máy giặt bị rò rỉ quyết định đến hạnh phúc và sự khỏe mạnh của mình. Nếu không, chúng ta sẽ trở thành những nạn nhân bất lực với những hoàn cảnh ngoài tầm với. Là một học trò Khắc kỷ, bạn học được rằng chỉ có bạn mới có thể hủy hoại cuộc đời mình và chỉ bạn mới có thể từ chối để mình bị khuất phục bởi bất cứ thách thức đáng sợ nào trong đời.
Vì vậy, chủ nghĩa Khắc kỷ dạy chúng ta sống theo các giá trị đạo đức góp phần xây dựng sự bền bỉ trong cảm xúc, sự tự tin trong bình tĩnh, và xây dựng định hướng rõ ràng trong cuộc sống. Giống như một chiếc gậy chống cũ kỹ nhưng đáng tin cậy, nó là kim chỉ nam cho cuộc sống dựa trên lý trí chứ không phải là niềm tin, là kim chỉ nam hỗ trợ chúng ta theo đuổi sự tự chủ, bền trí và khôn ngoan. Chủ nghĩa Khắc kỷ khiến chúng ta trở thành những người tốt đẹp hơn và dạy chúng ta cách để trở nên xuất sắc trong cuộc sống.
Những bài tập tâm lý có tác động mạnh mẽ của nó khá tương đồng với những kỹ thuật hiện đã được chứng minh là có hiệu quả theo nghiên cứu khoa học có tên Positive Psychology (Tâm lý học Tích cực - ND). Tôi không nói là các nhà nghiên cứu đã ăn cắp ý tưởng, nhưng các bài tập được thảo luận trong Tâm lý học Tích cực lại khá tương đồng với các bài tập mà các nhà Khắc kỷ đã sử dụng hơn hai nghìn năm trước. Những nghiên cứu hiện đại lại giống với những gì mà các nhà Khắc kỷ đã dạy là điều khiến triết học này càng trở nên hấp dẫn hơn. Trên hết, chủ nghĩa Khắc kỷ không hề cứng nhắc, ngược lại rất cởi mở và đề cao sự thật. Như trong châm ngôn Latinh: “Zeno [người sáng lập Chủ nghĩa Khắc kỷ] là bạn của chúng ta nhưng Sự Thật còn là một người bạn vĩ đại hơn”.
Nếu quan sát xung quanh, chúng ta sẽ thấy vô số người theo đuổi giấc mơ về một ngôi biệt thự vàng, một chiếc Porsche 911 và một công việc lương sáu con số đô la, nhưng họ không thấy hạnh phúc hơn so với quá khứ với căn hộ ẩm mốc, chiếc xe cũ rỉ sét, và công việc rẻ mạt. Họ đang sống theo một công thức giống như sau: Nếu bạn làm việc chăm chỉ, bạn sẽ thành công và một khi bạn thành công, thì khi đó bạn sẽ hạnh phúc. Hoặc, nếu tôi hoàn thành / kiếm được / đạt được những thứ tương tự, thì tôi sẽ rất vui. Vấn đề duy nhất là gì? Công thức này bị sai. Và sau khi mất nhiều năm làm theo công thức trên, những người này lại tự hỏi: “Đây thực sự đã là tất cả những gì cuộc sống có thể đem đến rồi sao?”
Đáp án là không. Vấn đề là, nhiều người không cảm thấy hạnh phúc hơn khi họ già đi, họ cũng không cải thiện được gì. Họ sống vô tâm, không có định hướng rõ ràng, liên tục mắc phải những sai lầm tương tự, cũng không không tiến gần hơn đến cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa ở tuổi tám mươi.
Việc áp dụng một triết lý sống mang đến chỉ dẫn, định hướng và ý nghĩa lớn lao hơn trong đời nên là một quyết định hiển nhiên đối với nhiều người trong chúng ta. Nếu không có chiếc la bàn đó, bất chấp mọi hành động có thiện chí, chúng ta vẫn sẽ có nguy cơ chạy vòng tròn, đuổi theo những thứ vô giá trị và cuối cùng phải sống một cuộc đời không viên mãn ngập ngụa những đau khổ về cảm xúc, những hối tiếc và thất vọng. Và vì không cần quá nhiều nỗ lực để cho Chủ nghĩa Khắc kỷ cơ hội trở thành triết lý sống của bạn, bạn không những chẳng mất gì cả mà còn đạt được nhiều thứ.
Lời hứa của cuốn sách này cũng là lời hứa của triết học Khắc kỷ: Nó dạy cách sống một cuộc sống vô cùng hạnh phúc và trôi chảy suôn sẻ, cũng như cách duy trì điều đó ngay cả khi đối mặt với nghịch cảnh. Nó chuẩn bị cho bạn sẵn sàng cho bất cứ điều gì, bạn sẽ giống như một ngọn tháp của sức mạnh - không thể lay chuyển, kiên cố, bền bỉ về mặt cảm xúc, và bình tĩnh đến kinh ngạc ngay cả khi đang ở trong hoàn cảnh cùng cực.
Chủ nghĩa Khắc kỷ có thể cải thiện cuộc sống của bạn trong lúc đời vẫn tươi vui, nhưng chính trong thời điểm tồi tệ thì nó càng phát huy tính hiệu quả. Nó có thể là ánh sáng chỉ đường cho bạn vượt qua những khoảnh khắc tuyệt vọng tối đen như mực. Nó nắm lấy bàn tay của bạn khi bạn cần sự tự tin để giảm thiểu đau khổ bằng cách chế ngự những “kẻ xấu” như sự tức giận, sợ hãi và buồn đau. Nó có thể là bệ đỡ để bạn chạm đến sự bình yên khi đang ngập ngụa trong vũng lầy. Nó có thể là cột trụ vững chắc khi bạn cần can đảm hành động cho dù cơ thể đang run rẩy. Nó có thể là chú hề làm bạn trở nên tươi tỉnh và nở nụ cười trên môi - điều cần thiết nhất khi đó.
Tóm lại, chủ nghĩa Khắc kỷ không chỉ chỉ đường cho bạn mà còn trao cho bạn chìa khóa dẫn đến cuộc sống tốt đẹp. Tất cả những gì bạn cần làm là đi trên con đường này, cho chìa vào ổ khóa, rồi cứ thế mà bước vào. Vì vậy, nhà Khắc kỷ Epictetus đã hỏi, “Nhà ngươi sẽ đợi đến khi nào?”
“Ngươi sẽ chờ đợi đến lúc nào thì mới bắt đầu mong mỏi phiên bản tốt nhất của bản thân?” Giờ đã là một người trưởng thành, vậy mà sao vẫn còn trì hoãn, Epictetus tự nhắc mình. “Ngươi sẽ không thể nhận ra mình không có chút tiến bộ nào, ngươi sẽ sống và chết đi như một kẻ tầm thường.” Từ giây phút đó, ông nhắc nhở bản thân cũng như tất cả chúng ta, hãy sống như một người trưởng thành và đừng bao giờ trì hoãn những điều cần phải làm. Và bất cứ khi nào bạn gặp bất cứ điều gì khó khăn, hãy nhớ rằng bạn đang trong Thế vận hội Olympic, cuộc thi đã bắt đầu và bạn không thể chờ đợi thêm nữa.
Chúng ta không có quyền được hoãn việc rèn luyện của mình, bởi vì không giống như Thế vận hội Olympic, cuộc thi mà chúng ta tham gia mỗi ngày đã bắt đầu. Cuộc sống là ngay bây giờ, đã đến lúc chúng ta bắt đầu rèn luyện.
Rèn luyện theo chủ nghĩa Khắc kỷ cũng có chút giống với việc lướt sóng - lý thuyết ít và thực hành nhiều. Ngay bây giờ, bạn không thể chờ đợi để bắt đầu và bạn tưởng tượng mình đang đứng trên ván, lướt sóng đến hết đợt này đến đợt khác, tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời trong đời... Chờ đã, tôi phải ngăn bạn ngay tại đó. Bởi vì trong bài học lướt sóng đầu tiên, bạn cũng sẽ học được một số lý thuyết của việc lướt sóng. Trên đất khô, bạn thực hành cách chèo thuyền, bật người lên và đứng vững trên ván. Nói cách khác, bài học đầu tiên cũng hơi khó chịu đấy - bạn chỉ muốn lướt sóng thật, chứ không muốn học lý thuyết khô khan đó.
Bạn rồi cũng vượt qua phần lý thuyết một cách nhanh chóng và bạn có thể xuống nước, xả sạch cát trong miệng và bắt đầu thực hành. Ở dưới nước, bạn nhanh chóng nhận ra rằng điều đó không dễ dàng như vậy và phần lý thuyết thực sự cần thiết. Điều này cũng tương tự với chủ nghĩa Khắc kỷ. Bạn rồi sẽ lướt thành công trên những con sóng, nhưng nếu bạn muốn lướt thành công và không bỏ cuộc sau vài (nhiều) lần sặc nước, thì trước tiên bạn cần hiểu một số lý thuyết đằng sau việc lướt sóng... e hèm, hay đúng hơn là Chủ nghĩa khắc kỷ.
Tôi đã tìm cách sắp xếp cuốn sách này và trình bày những kiến thức lâu đời theo cách dễ tiếp cận, dễ tiêu hóa và có tính hiệu quả cao. Trong phần đầu tiên, bạn sẽ tìm hiểu về lời hứa của triết học, lịch sử của nó, các triết gia quan trọng, và về các nguyên tắc cốt lõi được trình bày dưới dạng Tam giác Hạnh phúc Khắc kỷ. Nghiên cứu tam giác đó và bạn có thể giảng lại cho một đứa trẻ năm tuổi. Phần thứ hai là tất cả những gì về lướt sóng; nó chứa đầy những lời khuyên và bài tập thực tế cho cuộc sống hàng ngày.
Với cách tiếp cận trực tiếp và thẳng thắn đối với Chủ nghĩa Khắc kỷ này, mục đích cuối cùng của tôi là giúp bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể trở nên khôn ngoan hơn và hạnh phúc hơn một chút bằng cách thực hành triết lý tuyệt vời này.
Đã đến lúc để bắt đầu.
Độc giả có thể tìm mua ấn phẩm tại các nhà sách hoặc tham khảo bản ebook Sổ Tay Chủ Nghĩa Khắc Kỷ PDF của tác giả Jonas Salzgeber nếu chưa có điều kiện.
Tất cả sách điện tử, ebook trên website thuviensohoa.vn đều có bản quyền thuộc về tác giả. Chúng tôi khuyến khích các bạn nếu có điều kiện, khả năng xin hãy mua sách giấy.
Bài Trước Đó | Bài Tiếp Theo |